Điểm danh một số bệnh thường gặp ở chim chào mào
Chim chào mào bị bệnh là một nỗi lo của những người yêu chim. Với những người chơi chim lâu năm thì sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và phòng bệnh cho chim. Còn những người mới chơi thì thực sự sẽ gặp không ít khó khăn khi chú chim chào mào của mình mắc một bệnh nào đó, phần lớn khi phát hiện bệnh thì đã quá nặng, dẫn đến chim bị chết.
TS.BS Võ Văn Nhân - Giám đốc chuyên môn Nha khoa Nhân Tâm, cũng là một người đam mê loài chim chào mào chia sẻ: “Đối với tôi, mỗi chú chim chào mào đều là một người bạn thân thiết. Vì thế khi thấy chú chim bị ốm yếu, bỏ ăn là mình cũng vô cùng lo lắng. Nhưng từ những điều đó, tôi có thêm động lực để tìm hiểu kiến thức và phương pháp để cứu chữa, giúp những chú chim yêu quý của mình vượt qua bệnh tật”.
Tổng hợp một số bệnh thường gặp ở chim chào mào và cách điều trị
Bệnh tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp ở chim chào mào. Bệnh lý này thường diễn biến rất nhanh, dễ lây lan. Nguyên nhân là do chim nhiễm phải một số vi khuẩn có hại ở đường ruột, hay do ngộ độc thức ăn,...
Bạn có thể nhận biết chim chào mào bị tiêu chảy cấp qua các biểu hiện như: chim đứng ủ rũ, run rẩy, bỏ ăn, đi phân lỏng có màu trắng hoặc xanh, thậm chí có nhiều khi lẫn cả máu. Khi gặp tình trạng này, chim có thể chết chỉ qua một đêm hoặc từ sáng đến chiều.
Cách điều trị:
Trường hợp bệnh nhẹ, chim vẫn ăn uống và hoạt động bình thường, chỉ đi phân lỏng thì bạn có thể cho chim uống nước chè, hoặc nghiền một viên Berberin và trộn vào thức ăn cho chim ăn liên tục trong 2-3 ngày.
Trường hợp chim có các biểu hiện nặng hơn, bạn có thể dùng kháng sinh như: Chloramphenicol 10mg/100g trọng lượng chim, pha 1 thuốc/10 nước và cho chim uống liên tục trong khoảng 3 - 5 ngày. Hoặc bạn có thể cho chim sử dụng Tetracyclin + Biseptol 10mg/100g thể trọng pha vào nước theo tỷ lệ 1:10 và cho chim uống liên tục trong vòng 3-10 ngày.
Ngoài ra, để trợ lực cho chim, bạn có thể dùng thêm vitamin B1 10mg đem nghiền thành bột, sau đó trộn vào cám cho chim ăn.
Bệnh về đường hô hấp
Chim chào mào mắc phải bệnh về đường hô hấp thường do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc do hít phải khí độc, khói thuốc,...
Bạn có thể nhận biết sớm tình trạng này qua các triệu chứng như: Chim vảy mỏ qua lại liên tục kèm theo tiếng thở hắt ra (giống như hắt hơi), chim chảy nước mắt, nước muối, ít hót hơn nhưng vẫn có thể nhảy nhót linh hoạt. Khi bệnh nặng hơn thì chim thường đứng ủ rũ, bỏ ăn, thở gấp, thậm chí phải há mỏ ra để thở, đi phân toàn nước trắng hoặc xanh, phân có mùi tanh khó chịu,...
Cách điều trị:
Trường hợp chim mắc bệnh do nhiễm khuẩn đường hô hấp: Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh như amoxicillin, erythromycin,... Thường các thuốc này được đóng gói dạng bột 250mg cho trẻ em + 1 gói Bé Ho hòa vào nước theo tỷ lệ 10mg/100g thể trọng, cho chim uống liên tục trong ngày.
Trường hợp chim mắc bệnh cúm mùa hay H5N1, SARS,... bạn có thể dùng một số các loại thuốc như: Arbidol, Tamiflu,...
Ngoài ra, bạn có thể cho chim dùng kết hợp các sinh tố Vitamin B1, Vitamin C để trợ lực, giúp chim chào mào nhanh chóng khỏe lại.
Bệnh bại chân
Bệnh bại chân là một loại bệnh mà chim chào mào rất hay gặp phải. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này thường là do chim bị lạnh, thiếu sinh tố B1, hay do một số loại virus (chưa có nghiên cứu cụ thể).
Biểu hiện chim mắc bệnh bại chân đó là chim khó di chuyển, một hoặc hai chân duỗi thẳng cứng, không bám được cầu. Nhiều trường hợp chim còn bị cứng cổ, không ngóc đầu lên được.
Cách điều trị:
Trước bữa ăn cơm khoảng 2 - 3 tiếng, bạn hãy bỏ đói chim, sau đó cho 1 thìa cơm nóng vào cóng rồi bỏ vào lồng cho chào mào ăn. Đây là cách chữa được áp dụng theo kinh nghiệm chữa bệnh bại chân ở gà và bồ câu, đã được lưu truyền trong giới chơi chim từ trước đến nay. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho chim uống Vitamin B1 để trợ lực (Nghiền nhỏ 1 viên Vitamin B1 10mg vào thức ăn, sau đó cho chim dùng trong ngày).
Bệnh trúng gió
Đây cũng là bệnh thường gặp ở chim chào mào. Nguyên nhân là chim chào mào ở lâu ngoài trời, bị gió lạnh lùa vào khiến chim cảm lạnh. Hoặc chim bị trúng phải gió có hơi độc như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…
Khi bị trúng gió, chim chào mào thường sẽ đờ đẫn, thơ thẩn, trông như mất hồn, không có sức sống. Bên cạnh đó, lông chim chào mào sẽ bị xù ra, mặt bị sưng, cử động chậm chạp, nếu để ý kỹ thì bạn có thể thấy chào mào bị rung chân.
Cách điều trị:
Để điều trị cho chim chào mào bị trúng gió, đầu tiên bạn cần xác định xem là chim bị trúng gió do nguyên nhân nào.
Bạn có thể bắt chim ra khỏi lồng và nặn phao câu cho chim. Phao câu của chim chào mào bé tí ti như hạt gạo, được phủ bên ngoài lớp lông dày. Khi bị trúng gió, phao câu của chim sẽ bị sưng tấy và loang đỏ. Lúc này, bạn cần nặn hết mủ vàng ở đầu phao câu, nặn đến khi nào thấy dịch trắng thì dừng lại.
Tiếp theo, bạn cho chim vào lồng, nhỏ khoảng 3 - 5 giọt dầu gió hay dầu tràm vào cầu chim, đáy lồng chim. Sau đó, bạn phủ kín áo lồng lại, để lồng chim ở nơi kín gió, yên tĩnh. Chim chào mào sẽ dần khỏe lại. Tuy nhiên thời gian đầu khi khỏe lại, chim sẽ bị suy nặng, có thể thay lông bất thường. Bạn cần lưu ý để chăm sóc kỹ càng cho chim.
Bệnh ngoài da
Bệnh ngoài da là một trong những bệnh thường gặp ở chim chào mào, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe của chim.
Nguyên nhân gây bệnh ngoài da ở chim chào mào có thể là do ký sinh trùng (ve, rận, mạt), nấm, vi khuẩn, hay do tiếp xúc với các chất kích ứng như hóa chất, phấn hoa. Đặc biệt thiếu vitamin A cũng sẽ khiến da chim chào mào bị khô, bong tróc.
Dấu hiệu nhận biết chim chào mào mắc bệnh ngoài da đó là lông bị xù và dựng đứng, lông bị rụng nhiều, ngứa ngáy, da xuất hiện các vết đỏ, sưng tấy, viêm loét, các vảy trắng hoặc vàng trên da, thậm chí là xuất hiện các mụn mủ nhỏ.
Cách điều trị:
Việc đầu tiên mà bạn cần làm đó là cách ly chim bị bệnh với những con khác để tránh lây lan. Tiếp theo, bạn hãy vệ sinh lồng sạch sẽ, thay nước uống và thức ăn thường xuyên. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bạn có thể sử dụng các loại thuốc như: thuốc trị ký sinh trùng, thuốc trị nấm, thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ thú y.
Bên cạnh đó, bạn hãy cung cấp cho chim chế độ ăn giàu vitamin A để tăng cường sức đề kháng cho da. Đồng thời, hãy cho chim tắm nắng nhẹ để diệt khuẩn và làm khô lông.
Xem thêm: Kỹ thuật nhân giống chim chào mào
Cách phòng ngừa bệnh cho chim chào mào
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là câu nói hoàn toàn đúng khi áp dụng vào việc chăm sóc chim chào mào. Một chú chim khỏe mạnh sẽ sở hữu giọng hót hay, mang lại niềm vui cho người nuôi và còn có tuổi thọ cao hơn.
Để những chú chim chào mào của mình không mắc phải các bệnh lý nguy hiểm, bạn cần biết cách phòng bệnh cho chúng. Dưới đây là một số lưu ý mà bạn có thể tham khảo.
Chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ tăng cường sức đề kháng cho chim, giúp chim khỏe mạnh. Bạn nên cung cấp đa dạng thức ăn cho chim chào mào, chẳng hạn như: Cám (bạn có thể tự chế biến hoặc mua), mồi tươi (sâu gạo, dế, cào cào,...), hoa quả để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất (chuối, táo, đu đủ, cam,...). Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thêm một số loại thuốc bổ tổng hợp cho chim như dầu gấc, dầu cá,...
Chế độ vệ sinh
Bạn nên thường xuyên cho chim tắm bằng nước muối pha loãng. Mùa hè thì tắm khoảng 1 lần/ngày, mùa đông thì có thể cho chim tắm những ngày có nắng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cho chim phơi nắng để tăng cường tổng hợp vitamin C và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.
Thời điểm cho chim phơi nắng tốt nhất là lúc bình minh (khoảng 8h-10h). Đây là thời điểm nắng chưa gắt, giúp chim làm sạch bộ lông và tốt cho hệ tuần hoàn của chim. Ngoài ra, bạn cũng có thể tắm nắng cho chim vào khoảng 15h-17h. Mặc dù thời điểm này nắng gắt nhưng có thể áp dụng cho những chú chim mồi, giúp tăng khả năng chinh chiến khi đi bẫy. Mỗi lần bạn có thể tắm nắng cho chim khoảng 15 - 20 phút là được.
Đối với lồng, cóng, cầu đậu, áo lồng, bạn cũng phải chú ý vệ sinh thường xuyên. Tốt nhất là khoảng 2 ngày/lần. Điều này sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn, ký sinh trùng có trong phân, cóng đựng thức ăn.
Chế độ nghỉ ngơi
Chế độ nghỉ ngơi rất quan trọng đối với sức khỏe và giọng hót của chim chào mào. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp chim hồi phục năng lượng, tăng cường sức đề kháng và giúp chim hót hay hơn, bền hơn.
Bạn nên cho chim ngủ sớm khi hết ánh nắng tự nhiên (khoảng 5h30-6h tối). Bên cạnh đó, bạn nên đặt lồng chim ở nơi yên tĩnh, tránh tiếng ồn, đảm bảo không có chuột, gián hoặc các loài vật khác làm hại đến chim. Khi ngủ, tốt nhất là phủ áo lồng cho chim, giữ nhiệt độ phòng ổn định, tránh quá nóng hoặc quá lạnh.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn biết được một số bệnh thường gặp ở chim chào mào. Việc chăm sóc và phòng bệnh cho chim chào mào đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ. Mong rằng bạn sẽ giúp cho những chú chim yêu quý của mình luôn khỏe mạnh và vui vẻ.
Liên hệ
Địa chỉ
807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCMHotline
1900 56 5678Website
www.drnhan.vn