Công trình khoa học công bố trong nước

Cấy ghép implant ở bệnh nhân khe hở môi vòm miệng

Nghiên cứu tiến cứu theo dõi lâm sàng không đối chứng trên 32 bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng 1 bên có khe hở huyệt răng, trong đó có 23 nữ và 9 nam tuổi từ 15 đến 29 tuổi. Áp dụng implant trong điều trị cho bệnh nhân khe hở môi vòm miệng là giải pháp khả thi và thiết thực, không chỉ đáp ứng về mặt chức năng mà còn cải thiện về mặt thẩm mỹ
Cấy ghép implant ở bệnh nhân khe hở môi vòm miệng

Tóm tắt:

Mục tiêu: Đánh giá kết quả cấy ghép implant. Phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu theo dõi lâm sàng không đối chứng trên 32 bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng 1 bên có khe hở huyệt răng, trong đó có 23 nữ và 9 nam tuổi từ 15 đến 29 tuổi. Kết quả: Tổng cộng 32 implant được sử dụng, tỉ lệ tồn tại của implant là 100% trong thời gian theo dõi 18 tháng. 100% bệnh nhân hài lòng về phục hình răng implant và theo tiêu chuẩn của Belser đạt 71,9% phục hình từ ngưỡng chấp nhận lâm sàng trở lên. Kết luận: Áp dụng implant trong điều trị cho bệnh nhân khe hở môi vòm miệng là giải pháp khả thi và thiết thực, không chỉ đáp ứng về mặt chức năng mà còn cải thiện về mặt thẩm mỹ.

Từ khóa: Khe hở môi vòm miệng, Implant nha khoa.

Summary:

Objection: To evaluate the outcome of the success of implant. Method: The progressive clinical research performed on 32 patients with unilateral cleft lip and alveolar cleft defect, included 23 female and 9 male in the age of 15 to 29 years. Results: Total of 32 implants were used, the implant survival rate was 100% in the follow-up period of 18 months. 100% patients satisfied with their implant restoration and 71.9% implant prothesises reach the threshold of clinical acceptability and higher. Conclusion: Implant placement for cleft lip palate patients is a realistic and feasible solution that not only meet the chewing function but also improve the aesthetic.

Keywords: Cleft lip and palate, dental implant.

Tạp chí y dược lâm sàn 108
Tạp chí y dược lâm sàn 108

1. Đặt vấn đề

Theo Tổ chức sức khỏe thế giới, tỉ lệ bệnh nhân có KHM - VM ước tính 1/500 trẻ em mới sinh ra. Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ bị dị tật KHM - VM từ 1/709 đến 1/1000 [2]. Tại Việt Nam, các nghiên cứu trên bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng chủ yếu đánh giá dịch tễ học và kỹ thuật đóng khe hở môi-vòm miệng [1], [2] nhưng chưa có nghiên cứu cấy ghép implant trên vùng xương ghép ở khe hở huyệt răng và phục hình răng trên implant cho đối tượng này. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng từ trước đến nay chưa từng được phẫu thuật ghép xương khe hở huyệt răng và phục hình răng nên nhu cầu điều trị là rất lớn. Do vậy, chúng tôi tiến hành đề tài “Cấy ghép implant ở bệnh nhân khe hở môi và vòm miệng” với mục tiêu đánh giá kết quả cấy ghép Implant.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên, sức khỏe tốt, đã được tạo hình khe hở môi-vòm miệng, có khe hở huyệt răng một bên và chưa được ghép xương.

- Tiêu chuẩn loại trừ: Không có hiện diện khe hở huyệt răng hay khe hở huyệt răng 2 bên và bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu thử nghiệm lâm sàng không đối chứng để đánh giá kết quả cấy ghép implant. Cỡ mẫu: 32 bệnh nhân. 

2.3. Tiến trình nghiên cứu:

- Thu thập thông tin: khám lâm sàng, chụp hình trong và ngoài miệng, lấy dấu mẫu hàm, chụp phim CT- Cone Beam, Panorex và quanh chóp.

- Chỉnh nha và điều trị răng miệng tổng quát trước phẫu thuật. Sau đó, phẫu thuật ghép xương khe hở huyệt răng theo kỹ thuật ghép 2 mảnh xương vỏ mào chậu. 4 đến 6 tháng sau, tiến hành cấy ghép implant. Sau 6 tháng tích hợp xương trên implant làm phục hình răng.

- Theo dõi kết quả 15 và 18 tháng sau ghép xương.

2.4. Qui trình phẫu thuật cấy ghép implant

Cấy implant theo tiêu chuẩn implant vùng thẩm mỹ phải đảm bảo hướng và vị trí implant theo 3 chiều không gian như sau: Hướng implant: tốt nhất là trục implant đi qua cạnh cắn của phục hình sau này. Cấy ghép implant đúng vị trí theo 3 chiều không gian. Theo chiều ngoài trong, mặt ngoài của implant cách đường nối mặt ngoài 2 răng cạnh khe hở 1mm. Theo chiều trên dưới: Bờ vai của implant cách bờ nướu tự do của răng cạnh khe hở 3mm. Theo chiều gần xa: Implant cách chân răng kế cận ít nhất 1,5mm.

2.5. Tiêu chí đánh giá kết quả

- Đánh giá thành công về tích hợp xương của implant theo tiêu chuẩn của Misch 2008 [9] gồm 4 mức độ: implant thành công khi implant không đau trong hoạt động chức năng, không di động, mất xương <2mm, không có tiết dịch. Implant tồn tại không bệnh lí khi implant không đau trong hoạt động chức năng, không di động, mất xương từ 2-4mm và không có tiết dịch. Implant tồn tại có bệnh lí khi có thể có nhạy cảm trong hoạt động chức năng, không di động, mất xương >4mm nhưng không vượt quá 1/2 chiều dài implant, chiều sâu túi >7mm, có thể có tiết dịch và implant thất bại khi có bất cứ điều kiện nào trong những điều kiện sau: đau khi hoạt động chức năng, chuyển động, mất xương >1/2 chiều dài implant, tiết dịch không kiểm soát, không còn tồn tại trong miệng.

- Đánh giá thẩm mỹ của phục hình trên implant theo tiêu chuẩn của Belser 2009 [4] đánh giá thẩm mỹ hồng là thẩm mỹ của mô nướu quanh răng bao gồm 5 yếu tố: gai nướu phiá gần, gai nướu phía xa, độ cong nướu mặt ngoài, chiều cao nướu và màu sắc mô nướu so với răng tương đồng đối bên với điểm số tốt nhất là 2 điểm, xấu nhất là 0 điểm và trung bình là 1 điểm. Đánh giá thẩm mỹ trắng là thẩm mỹ răng gồm 5 yếu tố: hình dáng răng, thể tích răng, màu sắc, cấu trúc bề mặt và các chi tiết đặc biệt so với răng tương đồng đối bên với điểm số cao nhất là 2, thấp nhất là 0 và trung bình là 1. Tổng điểm cho chỉ số hồng và trắng khi đạt >12 điểm là thành công về mặt thẩm mỹ, khi đạt 12 điểm là chấp nhận thẩm mỹ về mặt lâm sàng và khi < 12 điểm là thất bại về thẩm mỹ.

Đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân bằng thang điểm từ 1 đến 9 với điểm 1,2,3 là không hài lòng, 4,5,6 hài lòng và 7,8,9 là rất hài lòng.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả cấy ghép implant

3.1.1. Kết quả implant thành công về tích hợp xương

Kết quả implant thành công về tích hợp xương
Kết quả implant thành công về tích hợp xương

P=0.000

Sau 4 tháng ghép xương có 29 bệnh nhân đủ xương để cấy ghép implant, tổng cộng có 32 implant được cấy. Sau 6 và 9 tháng cấy implant, 100% implant thành công. Sau 12 tháng cấy implant: có 1 implant bị tiêu xương nên implant này chuyển từ tiêu chuẩn thành công sang tồn tại. Do vậy, có 31 implant thành công chiếm 96,9%, 1 implant tồn tại chiếm 3,1%. Do vậy, 100% implant tồn tại, hoạt động chức năng tốt, không có implant thất bại trong thời gian theo dõi. Tỉ lệ thành công của implant giữa các thời không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0.05).

3.1.2. Kết quả thành công của implant về mặt thẩm mỹ của phục hình

Kết quả thành công của implant về mặt thẩm mỹ
Kết quả thành công của implant về mặt thẩm mỹ

Kết quả thẩm mỹ phục hình trên implant theo tiêu chuẩn của Belser cho thấy có 71,9% phục hình đạt thẩm mỹ từ ngưỡng chấp nhận lâm sàng trở lên và 28,1% thẩm mỹ kém. Kết quả này ổn định sau 6 tháng phục hình.

Sự hài lòng của bệnh nhân
Sự hài lòng của bệnh nhân

100% bệnh nhân đều hài lòng về thẩm mỹ của phục hình trong thời gian theo dõi 18 tháng do bệnh nhân cảm cảm nhận được sự thay đổi quá lớn từ tình huống ban đầu khuyết tật, xấu xí đến nụ cười có răng đầy tự tin.

4. Bàn luận

Kết quả của chúng tôi tương đương với nghiên cứu của Yoshiro Matsui (2007) có tỉ lệ implant tồn tại là 98,6% [12], hay nghiên cứu của Samuel (2010) có tỉ lệ implant tồn tại là 98,4% [10]. Ngoài ra, kết quả của chúng tôi cao hơn so với các công trình khác như nghiên cứu của Hartel (1999) với tỉ lệ implant tồn tại là 96% [7], hay nghiên cứu của Kramer (2005) với tỉ lệ implant tồn tại là 82% [8]. 

Kết quả implant thành công trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương và cao hơn các nghiên cứu khác có thể được giải thích bởi một số lí do sau đây: Do chúng tôi đã cải tiến kỹ thuật ghép xương, sử dụng 2 mảnh xương vỏ mào chậu (xương vỏ có tính cơ học cứng chắc, chất lượng xương tốt, hạn chế tiêu xương giúp implant dễ đạt ổn định ban đầu) so với các nghiên cứu trên chỉ sử dụng xương xốp mào chậu [7], [8] vì theo Albrektson (1980) [3] xương xốp mào chậu lành thương nhanh, nhưng cũng xảy ra sự tiêu xương nhiều sau quá trình lành thương; Đồng thời, chúng tôi áp dụng kỹ thuật làm tăng độ ổn định ban đầu khi cấy implant như lỗ khoan xương nhỏ, đường kính của implant lớn, nén xương, implant dạng thuôn, implant được xử lý bề mặt và có nhiều vi ren ở vùng cổ implant nên tăng diện tích tiếp xúc ở bề mặt implant và xương; Thời gian cấy ghép implant từ 4 đến 6 tháng sau ghép xương nên xương ghép đã trưởng thành và cũng chưa xảy ra sự tiêu xương ghép quá nhiều so với các nghiên cứu có khoảng thời gian từ khi ghép xương đến khi implant kéo dài [11]; Implant có chiều dài tiêu chuẩn, chiều dài implant được xác định bởi chiều trên dưới của cầu xương sau khi ghép. Tuy nhiên, ở bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng, sau khi ghép xương, chiều cao cầu xương bị thiếu, nếu sử dụng implant ngắn sẽ làm gia tăng tỉ lệ chân răng-thân răng, không đảm bảo vấn đề sinh cơ học, dễ dẫn đến thất bại implant đồng thời cũng làm cho phục hình răng bị dài và kém thẩm mỹ. Nhưng kết quả ghép xương trong nghiên cứu của chúng tôi có chiều trên dưới của cầu xương tối thiểu vẫn trên 10mm nên cho phép cấy implant có chiều dài tiêu chuẩn là 10mm đảm bảo ổn định sinh cơ học cho răng cửa bên; Bên cạnh đó, khi ghép xương bổ sung, chúng tôi sử dụng xương tự thân lấy từ vùng cằm hoặc vùng hậu hàm kết hợp với vật liệu tổng hợp nên sự tích hợp xương tốt hơn so với chỉ sử dụng các vật liệu tổng hợp. Một phần cũng có thể do thời gian theo dõi trong nghiên cứu của chúng tôi ngắn hơn các nghiên cứu khác nên có thể thất bại chưa xảy ra.

5. Kết luận

Cấy ghép implant trên vùng khe hở đã được ghép xương với kỹ thuật 2 mảnh xương vỏ mào chậu đạt kết quả: 100% implant tồn tại, hoạt động chức năng tốt, không có implant thất bại. Tất cả bệnh nhân hài lòng với phục hình trên implant và đạt 71,9% phục hình từ ngưỡng chấp nhận lâm sàng trở lên theo tiêu chuẩn của Belser.

Kết quả của nghiên cứu này cung cấp một phương pháp điều trị mới trong phục hình cho bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Bạch Dương, Trần Thư Trung, Lâm Hoài Phương (2010), “Đặc điểm tình hình khe hở môi – hàm ếch tại 32 tỉnh thành phía Nam từ 2007 - 2010”, Tuyển Tập Công Trình Nghiên Cứu Khoa Học, Nhà Xuất Bản Y Học, tr.81-89.

2. Phan Quốc Dũng (2006), “Tình hình dị tật bẩm sinh khe hở môi hàm ếch tại bệnh biện Từ Dũ và Hùng Vương”, Luận văn Thạc sĩ Y học.

3. Albrektsson T. (1980), “Repair of bone grafts: A vital microscopic and histological investigation in the rabbit”, Scand J Plast Reconstr Surg, pp.14.

4. Belser U.C., Grütter L., Vailati F. (2009), “Outcome evaluation early placed maxillary anterior single-tooth implants using objective esthetic criteria: across-sectional, retrospective study in 45 patients with a 2 to 4 year follow-up using pink and white esthetic score”, J Periodontol, 80(1), pp.140-51.

5. Enemark H., Sindent-Pedersen S., Bundgaard M. (1987), “Long-term Results after Secondary Bone Grafting of Alveolar Clefts”, J Oral Maxillocfac Surg, 45, pp.913-919.

6. Franck Renouard, Bo Rangert (1999), “Treatment of the edentulous maxilla”, In: Risk factors in implant dentistry, simplified clinical analysis for predictable treatment, Quintessence Publishing Co, Inc, pp. 67-109.

7. Hartel J., Pogl C., Henkel K.O. (1999), “Dental implants in alveolar cleft patients: a retrospective study”, J Craniomaxillofac Surg, 27, pp.354-357.

8. Kramer F.J., Baethge C., Swennen G. (2005), “Dental implants in patients with orofacial clefts: a long-term follow-up study”, Int J Oral Maxillofac Surg, 34, pp.715–721.

9. Misch E., Sammartino G., Rebaudi A. (2008), “Implant Success, Survival, and Failure: The International Congress of OralImplantologists (ICOI) Pisa Consensus Conference”, Implant Dentistry, 17(1), pp.5-15.

10. Samuel B.F., Luis A.E., Michyele C.S. (2010), “Survival Of Dental Implants In The Cleft Area- A Retrospective Stdy”, Cleft Palate Craniofac J, 47 (6), pp.566-590.

11. Takahashi Tetsu, Masayuki Fukuda, Tai Yamaguchi (1999), “Placement of Endosseous Implants Into Bone-Grafted Alveolar Clefts: Assessment of Bone Bridge after Autogenous Particulate Cancellous Bone and Marrow Graft”, Int J Oralmaxillofacimplants, 14, pp.86–93.

12. Yoshiro Matsui, Kohsuke Ohno, Akiko Nishimura (2007), “Long term study of dental implants places into alveolar clefts sites”, The Cleft Palate-Craniofacial Journal, 44(4), pp.444-447.


Liên hệ

Địa chỉ

807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCM

Hotline

1900 56 5678