Công trình khoa học công bố trong nước

Ghép xương khối tự thân trên bệnh nhân tiêu xương ổ răng hàm trên

Ghép xương khối tự thân trên bệnh nhân tiêu xương ổ răng hàm trên
Ghép xương khối tự thân trên bệnh nhân tiêu xương ổ răng hàm trên

Tạ Anh Tuấn, Võ Văn Nhân

TÓM TẮT

Từ năm 2008 – 2011chúng tôi tiến hành ghép xương khối tự thân cho 49 bệnh nhân, trong đó có 28 nam và 21 nữ, độ tuổi từ 18 đến 61 tuổi. Nơi lấy xương: lấy xương từ vùng cằm 22 bệnh nhân. Lấy từ vùng hậu hàm 15 bệnh nhân. Lấy từ mào chậu 12 bệnh nhân. Tổng cộng có 79 khối xương ghép (trong đó 24 khối xương ghép theo chiều dọc, 55 khối xương ghép theo chiều ngang) đuợc sử dụng cho 49 trường hợp thiếu xương ổ răng hàm trên và 101 Implant đuợc đặt cho 79 vị trí ghép xương. Tất cả các Implant đều đạt mức độ ổn định ban đầu (trên 35N/cm), 100% implant tồn tại (không có implant thất bại). Thời gian theo dõi 10.5 tháng. Có 78 trong số 79 mảnh ghép thành công chiếm 98,7%. Một mảnh ghép thất bại chiếm 1,3%. Có 73 trong số 79 vị trí tiếp nhận ghép, đủ xương không cần ghép thêm xương khi đặt Implant chiếm 92%.Có 5 vị trí còn lại cần ghép thêm xương trong lúc đặt Implant chiếm 6,3% (xương ghép ở 5 vị trí này đuợc lấy từ xương chậu, những vị trí khác lấy từ xương cằm và xương cành cao thì không cần ghép thêm xương khi đặt Implant.

SUMMARY

AUTOGENOUS BLOCK BONE GRAFT IN PATIENTS FOR MAXILLARY ALVEOLAR RIDGE DEFECT

From 2008 – 2011 we have done autogenous block bone graft for 49 patients, including 28 men and 21 women, aged 18 to 61 years old since 2008 – 2011. Doner site: Autogenous block bone grafts were harvested from symphysis, retromolar region and iliac crest in 22, 15 and 12 patients, respectively. A total of 79 block bone grafts (24 verticals and 55 horizontals) were used to augment 49 severe alveolar ridge defect. There are 101 implants placed in 79 sites of bone augmentation. All of the implants had primary stability (35N/cm), 100% implant survival (no implant failed). Follow-up period time: 10.5 months. There are 78 out of the 79 graft pieces success 98.7%, 1 failed 1.3%. There are 73 out of the 79 recipient have enough bone to place implant no need additional bone graft 92%. The remaining 5 recipient site needed additional grafts at the time of implant placement 6.3% (these 5 recipient had received block bone grafts from the iliac crest, while no recipient sites that had been grafted with bone harvested from the symphysis or from retromolar region needed additional grafts).

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cấy ghép Implant đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngày nay đây là phương pháp ngày càng phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên để có thể có kết quả tốt thì tại nơi cấy ghép phải có đủ xương. Ghép xương hàm trên bằng xương khối tự thân làm tăng thể tích xương chủ động theo nhu cầu tại nơi cấy ghép. Để đánh giá khả năng thành công, chất lượng xương ghép khi cấy ghép Implant và theo dõi nhưng biến chứng, chúng tôi làm nghiên cứu này nhằm:

1. Đánh giá tỷ lệ thành công lâm sàng của việc tái tạo xương hàm trong trường hợp tiêu xương ổ răng hàm trên trầm trọng bằng phương pháp sử dụng xương khối tự thân truớc khi đặt Implant.

2. Đánh giá tỷ lệ thành công lâm sàng của Implant.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành trên 49 bênh nhân trong đó 28 nam và 21 nữ. Bệnh nhân có độ tuổi 18-61. Trong số 49 bệnh nhân có 22 bệnh nhân được ghép xương khối tự thân lấy từ vùng cằm, 15 bệnh nhân ghép xương khối lấy từ vùng hậu hàm và 12 bệnh nhân ghép xương khối lấy từ vùng mào chậu.

Tiêu chuẩn chọn lựa bệnh nhân:

  • Tất cả bệnh nhân có sức khỏe tốt, không có chống chỉ định cho phẫu thuật dưới gây tê tại chỗ hay gây mê.
  • Bệnh nhân bị mất răng bán phần hoặc toàn phần với khuyết xương nhiều: Khuyết xương theo chiều dọc từ 4- 10mm và hoặc xương còn lại theo chiều ngang (chiều ngoài trong) 2-3 mm.
  • Bệnh nhân có yêu cầu ghép xương khối và đặt implant.

Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân có bệnh toàn thân như: bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh nhân điều trị ung thư, điều trị hóa trị hoặc xạ trị, bệnh tiểu đường chưa được kiểm soát, bệnh tim mạch, bệnh rối loạn đông máu, hút thuốc trên 10 điếu/ngày, bệnh nha chu tiến triển.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

tiến cứu, mô tả cắt ngang.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tất cả các Implant đều đạt mức độ ổn định ban đầu (trên 35N/cm), 100% implant tồn tại (không có implant thất bại). Thời gian theo dõi trên 10 tháng.

Ghép xương khối tự thân
Bảng 1: Vị trí lấy xương, phương pháp ghép xương
Ghép xương khối tự thân
Bảng 2: Kết quả ghép xương
Ghép xương khối tự thân
Bảng 3: Biến chứng

IV. BÀN LUẬN

Ghép xương tự thân đã được áp dụng rộng rãi để phục hồi những sóng hàm bị tiêu xương trầm trọng. Xương tự thân có thể được lấy trong miệng hay ngoài miệng và được xem như là một tiến trình điều trị có tiên lượng tốt để tăng thay thể tích sóng hàm. Nghiên cứu này cho thấy xương khối bao gồm xương vỏ và xương tủy từ vùng mào chậu, vùng cằm là điều trị thật sự có tỷ lệ thành công cao để phục hồi xương hàm bị tiêu trầm trọng. Tỷ lệ thành công của mảnh ghép là: 98,7% tương đương với những nghiên cứu trước đây [7]. Biến chứng rất thấp trong các ca điều trị: hở vạt (8,3%), nhiễm trùng (1,2%), tê môi vùng cằm (0,9%), tê môi vùng hậu hàm (0,6%) và hết sau 6 tuần. Đối với bệnh nhân lấy xương từ vùng chậu đau khi đi sau phẫu thuật là 4 trong số 12 bệnh nhân, và hết đau khi đi sau 4 tuần. Số ca cần phải ghép xương them trong lúc đặt implant là 5 ca (17%), 5 ca này được ghép xương từ vùng mào chậu trong khi không có ca nào cần ghép xương thêm khi cấy implant. Do vậy, có thể xem xương được lấy từ vùng mào chậu có mức độ tiêu xương nhiều hơn xương lấy từ vùng cằm và cùng hậu hàm, do vùng chậu có nhiểu xương tủy và ít xương vỏ. Nhưng xương mào chậu có một ứng dụng rất hữu ít trong những trường hợp thiếu xương trầm trọng trên diện rộng cần có một thể tích xương lớn, xương mào chậu cung cấp một nguồn xương dồi dào trong trường hợp ghép xương ổ răng.

Tiêu xương có thể diễn ra theo hai tình huống: theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang. Trong nghiên cứu này có 24 trường hợp tiêu xương theo chiều dọc và có 55 trường hợp tiêu xương theo chiều ngang, có tổng cộng là 3 vị trí bị hở vạt và lộ mảnh ghép, 2 vị trí hở vạt trong số 24 vị trí ghép xương theo chiều dọc chiếm 8,3%. Trong khi đó, có 1 mảnh ghép bị lộ trong số 55 vị trí ghép xương theo chiều ngang chiếm 1,8%. Do vậy, lộ mảnh ghép theo chiều dọc sẽ cao hơn lộ mảnh ghép theo chiều ngang một cách có ý nghĩa. Ghép xương theo chiều dọc có nhiều thách thức hơn là ghép xương theo chiều ngang. Kỹ thuật tạo vạt để đóng vạt thì đầu không căng là cực kỳ quan trọng để tránh sự hở vạt và thất bại mảnh ghép, trong trường hợp ghép xương theo chiều dọc đòi hỏi thiết kế vạt phức tạp hơn ghép xương theo chiều ngang.

Một vài tác giả cho rẳng ghép xương có nguồn gốc từ xương màng duy trì thể tích tốt hơn ghép xương theo có nguồn gốc từ xương sụn [7]. Nguyên nhân do nguồn gốc của xương màng có số lượng xương vỏ nhiều hơn xương có nguồn gốc từ sụn. Một vài tác giả khác cho rằng ghép xương vỏ sẽ duy trì thể tích tốt hơn là ghép xương tủy, bất kể nguồn gốc từ sụn [7]. Những yếu tố đóng vai trò gây nên tiêu xương: cấu trúc vi thể của mảnh ghép, mức độ sinh mạch ở giai đoạn lành thương, chấn thương tại chỗ. Phần xương xốp của mảnh ghép có chức năng quan trọng, kích thích những tế bào tạo xương và biệt hóa những tế bào tủy xương nằm bên dưới. Mảnh ghép xương xốp sinh mạch nhanh hơn mảnh ghép xương vỏ, tuy nhiên, ghép xương vỏ thì cứng hơn [2]. Sự kết hợp mảnh ghép xương vỏ và xương xốp cải tiến sự sinh mạch sớm và duy trì thể tích như mảnh ghép lấy từ vùng cằm và vùng hậu hàm.

Cấy ghép implant trong những trường hợp xương hàm bị tiêu trầm trọng là tiến trình điều trị cho thất có tỷ lệ thất bại cao hơn so với trường hợp có đủ thể tích xương. Thất bại của implant được chia làm hai loại: thất bại sớm (trước khi tải lực) và thất bại muộn (sau khi tải lực). Một vài nghiên cứu trên kỹ thuật ghép xương cho rằng tỷ lệ thất bại sớm thì cao hơn thất bại muộn [4, 6]. Trong nghiên cứu này thì tỷ lệ thành công của implant sau 1 năm là 100%. Có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật 2 thì và các implant đạt độ ổn định ban đầu tốt khi đặt. Những khảo sát hiện nay cho răng tỷ lệ thất bại là 5,1%. Hầu hết các implant thất bại trong 6 tháng đầu sau khi đặt mà chưa có bất kỳ điều trị phục hình nào [3].

V. KẾT LUẬN

Dùng xương khối tự thân để phục hồi xương hàm trên bị tiêu là tiến trình điều trị đáng tin cậy. Tỷ lệ thành công của mảnh ghép là 98,7%.

Tỷ lệ thành công khi cấy ghép implant trên vị trí đã ghép xương là 100%.

Các biến chứng là tê môi dưới khi lấy xương ngành lên và vùng cằm xương hàm dưới (dấu hiệu này hết sau 6 tuần). Một số ca bị hở vạt tiến triển tốt sau khi điều trị tại chỗ. Qua nghiên cứu này chúng tôi thấy ghép xương khối tự thân là kỹ thuật có nhiều hứa hẹn trong trường hợp tiêu xương hàm trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Barone and Covani - Maxillary Alveolar ridge reconstruction - J Oral Maxillofac Surg 65:2039 - 2406, 2007.

2. Burchardt H: The biology of bone graft repair. Clin Orthop Relat Res 174:28, 1983.

3. Canwood JI, Howell RA: Rescontructive preprosthetic surgery. I. Anatomical consideration. Int J Oral Maxillofac Surg 20:75, 1991.

4. Esposito M, Hirsch J-M, Lekholm U, et al: Biolofical factors contributing to fairlures of osseointegrated oral implants (I). Success criteria and epidemiology. Eur J Oral Sci 106:527, 1998.

5. J.I Cawood and R.A. Rowell – A classification of the edentulous jaws. Int.J.Oral Maxillofac. Surg, 17: 232-236, 1988.

6. Joansson B, Wannfors K, Ekenbach J, et al: Implant and sinus bone graft in 1-stage procedure on severely atrophied maxillae: Surgical aspects of a 3 year follow-up period. Int J Oral Maxillofac Implants 14:811, 1999.

7. Lizuka T, Smolka W, Hallerman W, et al: Extensive augmentation of the alveolar ridge using autogenous calvarial split bone grafts for dental rehabitation. Clin Oral Implants Res 15:607, 2004.


Liên hệ

Địa chỉ

807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCM

Hotline

1900 56 5678