Giải pháp khắc phục chứng hôi miệng
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh hôi miệng
Nguyên nhân thường nằm ở việc vệ sinh răng miệng không đúng cách. Những người đánh răng sai cách, không đều đặn, không loại bỏ thức ăn thừa triệt để, quên vệ sinh lưỡi thường dễ gặp phải vấn đề hôi miệng.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác có thể dẫn đến chứng hôi miệng. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết những yếu tố làm tăng nguy cơ hơi thở có mùi khó chịu nhé!
1. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng kém bao gồm những vấn đề như thường quên đánh răng, không dùng chỉ nha khoa để loại bỏ phần thức ăn thừa giắt vào kẽ răng, kẽ nướu, lực đánh răng không phù hợp, vật dụng vệ sinh răng như bàn chải, kem đánh răng không phù hợp, không chải lưỡi…
Vệ sinh răng sai cách sẽ dẫn đến tích tụ mảng bám. Trong mảng bám chứa rất nhiều loại vi khuẩn có hại cho răng miệng. Chúng không chỉ tấn công răng, gây nên những bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, nha chu… mà còn là “thủ phạm” gây ra tình trạng hôi miệng.
2. Bệnh lý răng miệng
Những người bị bám vôi răng hoặc bị các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, nha chu… sẽ dễ bị hôi miệng, vì lúc này, lượng vi khuẩn trong khoang miệng không ngừng gia tăng, chúng phân hủy thức ăn thừa bám trên răng và tạo ra mùi hôi vô cùng khó chịu.
3. Thuốc lá
Những người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị hôi miệng cao hơn rất nhiều lần so với người không hút thuốc. Bên cạnh đó, khói thuốc là còn đe dọa đến sức khỏe răng miệng và sức khỏe cơ thể nói chung.
4. Thức ăn
Thức ăn bị mắc kẹt trong kẽ răng khi phân hủy sẽ tạo ra mùi hôi miệng. Bên cạnh đó, một số thực phẩm có khả năng miệng và cả cơ thể tỏa ra mùi khó chịu như tỏi, hành tây…
5. Tiết nước bọt kém
Nước bọt giúp rửa trôi phần thức ăn thừa bám trên răng, giúp khoang miệng trở nên sạch sẽ hơn. Nhiều người bị hội chứng khô miệng do tiết nước bọt kém hoặc do một số bệnh lý dẫn đến hơi thở có mùi hôi.
6. Thuốc
Một số loại thuốc có thể làm giảm nước bọt và làm tăng mùi hôi miệng và mùi hôi cơ thể. Các loại thuốc khác có thể tạo ra mùi hôi khi chúng phân hủy và giải phóng các hóa chất vào hơi thở. Ví dụ như một số hóa chất hóa trị liệu và một số thuốc an thần, chẳng hạn như phenothiazin. Những người dùng viên bổ sung vitamin với liều lượng lớn cũng có thể dễ bị hôi miệng.
7. Các vấn đề về miệng, mũi và họng
Các vấn đề về miệng, mũi và họng như viêm đường hô hấp, nhiễm trùng mũi, viêm mũi, kẹt dị vật trong mũi, viêm họng, viêm Amidan, viêm xoang có thể làm tăng nguy cơ bị hôi miệng. Đây chỉ là tình trạng hôi miệng tạm thời, sau khi khỏi bệnh mùi hôi miệng cũng dần biến mất.
8. Bệnh lý cơ thể
Một số bệnh ung thư, suy gan, bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh tuyến giáp và các bệnh chuyển hóa khác có thể gây ra chứng hôi miệng. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra chứng hôi miệng do trào ngược axit dạ dày thường xuyên.
9. Một số nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, chúng ta có thể bị hôi miệng nếu thói quen ăn uống kém lành mạnh, uống không đủ nước, thường xuyên sử dụng các đồ uống có cồn, bị tắc ruột, nhiễm toan Ceton, sử dụng răng giả…
Việc nhận biết chứng hôi miệng không khó. Khi bị hôi miệng, chúng ta rất dễ nhận biệt bởi hơi thở có mùi khó chịu phát ra từ miệng. Có thể sử dụng biện pháp kiểm tra thủ công như hà hơi, hít mùi bàn chải đánh răng hoặc sử dụng máy đo nồng độ halimeter hoặc kiểm tra chuyên nghiệp tại nha khoa.
Hôi miệng phiền toái như thế nào?
Tưởng chừng chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng trên thực tế, chứng hôi miệng gây ra rất nhiều phiền toái.
Người bị hôi miệng bị ảnh hưởng rất lớn về vấn đề tâm lý. Họ trở nên ngại ngùng, tự ti, không dám cười hay giao tiếp vì sợ mùi hôi miệng phát ra khiến những người xung quanh xa lánh. Người đối diện cũng có ấn tượng không tốt khi giao tiếp với người bị hôi miệng. Do đó, các mối quan hệ xung quanh, đặc biệt là về tình cảm hoặc công việc đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, hôi miệng còn là biểu hiện của nhiều bệnh răng miệng và bệnh lý cơ thể. Do đó, nếu bị hôi miệng không rõ nguyên nhân thì bạn cần tiến hành thăm khám kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Giải pháp khắc phục chứng hôi miệng
1. Khắc phục hôi miệng tại nhà
- Vệ sinh răng miệng: Đây là chìa khóa cho những ai gặp phải chứng hôi miệng. Hãy đảm bảo đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với bàn chải lông mềm và kem đánh răng phù hợp. Dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để làm sạch thức ăn thừa giắt trên răng và giảm sự tích tụ mảng bám. Thay bàn chải thường xuyên và dùng nước súc miệng là những cách giúp bạn giữ gìn hơi thở thơm mát.
- Làm sạch răng giả: Nếu bạn sử dụng răng giả thì cần phải vệ sinh đúng cách theo hướng dẫn của Bác sĩ nhằm ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ và lây lan trong miệng.
- Chải lưỡi: Vi khuẩn, thức ăn và tế bào chết thường tích tụ trên lưỡi, đặc biệt là ở những người hút thuốc hoặc những người bị khô miệng, từ đó khiến miệng tỏa ra mùi khó chịu. Do đó, cần làm sạch lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng sau khi đánh răng để loại bỏ mùi hôi miệng.
- Tránh khô miệng: Cần giữ cho miệng có đủ độ ẩm bằng cách uống đủ nước, không sử dụng thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn. Nếu miệng khô mãn tính, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kích thích tiết nước bọt.
- Chế độ ăn hợp lý: Tránh ăn nhiều hành tây, tỏi và đồ ăn cay. Đồ ăn có đường cũng có liên quan đến chứng hôi miệng nên cần hạn chế.
- Sử dụng các sản phẩm chống hôi miệng: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm có tác dụng hỗ trợ làm giảm hôi miệng như xịt chống hôi miệng, kẹo cao su, men vi sinh chống hôi miệng, kẹo ngậm thơm miệng… Tuy nhiên cần lưu ý lựa chọn sản phẩm uy tín, nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
- Dùng các bài thuốc dân gian: Một số nguyên liệu tự nhiên được nhiều người sử dụng để hỗ trợ giảm mùi khó chịu trong miệng, giúp hơi thở thơm mát hơn bao gồm dầu dừa, chanh, gừng, lá bạc hà, lá trà xanh… Các nguyên liệu này vừa có mùi thơm vừa có đặc tính kháng khuẩn, giúp làm sạch miệng và giảm mùi hôi miệng.
2. Chăm sóc răng miệng tại nha khoa
Chăm sóc răng miệng định kỳ tại nha khoa là một giải pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị chứng hôi miệng vô cùng hiệu quả. Vì cho dù có giữ răng miệng sạch sẽ đến cỡ nào thì những mảng bám vẫn sẽ tích tụ theo thời gian và đe dọa sức khỏe răng miệng của chúng ta.
Khi khám răng định kỳ, các Bác sĩ có thể theo dõi tình trạng răng miệng và kịp thời xử lý nếu có những bất thường xảy ra. Đồng thời, trong các lần thăm khám, Bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng để lấy sạch vôi răng, mảng bám, loại bỏ vi khuẩn, không chỉ giúp răng chắc khỏe, sáng bóng mà còn giữ hơi thở thơm tho.
Hôi miệng thực sự là một vấn đề đáng lo ngại khi gây ra nhiều bất tiện trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, điều may mắn là hôi miệng có thể phòng ngừa và khắc phục nếu áp dụng các biện pháp mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết. Và đừng quên chăm sóc răng miệng định kỳ tại nha khoa để luôn có hơi thở thơm mát nhé!
Liên hệ
Địa chỉ
807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCMHotline
1900 56 5678Website
www.drnhan.vn