Khắc phục mất răng bằng răng giả tháo lắp
Định nghĩa, cấu tạo và phân loại răng giả tháo lắp
Răng giả tháo lắp là một giải pháp nha khoa được sử dụng để thay thế một hoặc nhiều răng bị mất ở cả hàm trên và hàm dưới. Cấu tạo của răng giả gồm một nền nhựa có màu sắc như màu của nướu răng và phía bên trên nền nhựa là những chiếc răng giả bằng nhựa hoặc bằng sứ thực hiện chức năng ăn nhai.
Khi lắp răng giả, Bác sĩ sẽ gắn hàm giả vào mô nướu và răng thật để cố định chắc chắn. Răng giả tháo lắp được phân thành 2 loại chính là răng giả tháo lắp 1 phần và răng giả tháo lắp toàn hàm.
1. Răng giả tháo lắp 1 phần
Răng giả tháo lắp 1 phần được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị mất 1 hoặc một vài răng. Phần nền hàm giả có thể được làm bằng kim loại đúc, acrylic hoặc nền nhựa mềm, trong đó hàm giả có nền hàm bằng nhựa mềm là phổ biến và được ưa chuộng nhất vì tính thoải mái, gần giống răng thật và thẩm mỹ cao.
Răng giả tháo lắp 1 phần sẽ được gắn và liên kết với hàm thật bằng cách dùng các chốt hoặc móc kim loại để gắn vào răng thật kề cận răng bị mất.
2. Răng giả tháo lắp toàn hàm
Răng giả tháo lắp toàn hàm là một bộ răng giả được dùng để thay thế trong trường hợp bệnh nhân bị mất răng toàn hàm. Răng giả tháo lắp toàn hàm được làm bằng đế nhựa màu hồng giống màu nướu răng, vừa khít với nướu của bệnh nhân. Răng giả thay thế được gắn chặt vào đế răng và có thể tháo ra mà không cần sự trợ giúp của Bác sĩ.
Răng giả tháo lắp toàn hàm là lựa chọn khả thi để cải thiện khả năng ăn nhai và thẩm mỹ với chi phí tiết kiệm. Những loại răng giả này được làm riêng để vừa vặn với miệng của bệnh nhân và trông tự nhiên nhất có thể. Nếu chăm sóc và bảo dưỡng tốt, răng giả tháo lắp toàn phần có thể tồn tại trong thời gian khá dài và giúp bệnh nhân ăn nhai tốt hơn.
Răng giả tháo lắp có những ưu - nhược điểm nào?
Các phương pháp phục hình nha khoa đều tồn tại những ưu và nhược điểm nhất định. Đối với răng giả tháo lắp, bệnh nhân khi sử dụng sẽ hài lòng với những lợi ích do răng giả mang lại như:
- Chi phí thấp: Răng giả tháo lắp là giải pháp điều trị mất răng có chi phí thấp nhất. Do đó, đối với những bệnh nhân gặp trở ngại về tài chính thì răng giả tháo lắp là một sự lựa chọn hoàn hảo.
- Phù hợp với nhiều trường hợp mất răng: Răng giả tháo lắp phù hợp với nhiều tình trạng mất răng khác nhau, đặc biệt là với những bệnh nhân bị mất răng có sức khỏe kém hoặc tiêu xương quá nghiêm trọng, không thể thực hiện ghép xương…
- Cải thiện ăn nhai và thẩm mỹ: Răng giả tháo lắp giúp che lấp khoảng trống mất răng để giúp bệnh nhân cảm thấy thẩm mỹ và tự tin hơn. Với kỹ thuật nha khoa hiện đại, răng giả tháo lắp ngày càng được nâng cấp và mang lại hiệu quả ăn nhai tốt hơn với độ bền cao hơn.
- Hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng xô lệch răng: Sau khi bị mất răng, các răng còn lại sẽ có xu hướng xê dịch và nghiêng về phía khoảng trống mất răng, gây xô lệch răng. Hàm giả tháo lắp sẽ giúp bổ sung các răng bị thiếu, làm đầy khoảng trống để giúp các răng trên cung hàm giữ vững vị trí, không bị xô lệch.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì hàm giả tháo lắp cũng có những nhược điểm. Bác sĩ nha khoa thường không khuyến khích bệnh nhân điều trị bằng hàm giả tháo lắp bởi những bất lợi sau đây:
- Tuổi thọ thấp: Răng giả tháo lắp có tuổi thọ thấp nhất trong số các kỹ thuật phục hình răng bị mất. Thông thường, bạn sẽ cần thay răng giả mới sau khoảng 3-5 năm sử dụng.
- Nguy cơ kích ứng và tiêu xương hàm: Răng giả tháo lắp có thể gây ra tình trạng kích ứng, gây đau nướu khi ăn nhai. Đặc biệt, vì không phục hình chân răng nên răng giả tháo lắp không chỉ không ngừa được tình trạng tiêu xương hàm do mất răng mà còn khiến xương hàm bị tiêu nhanh hơn.
- Hàm giả lỏng lẻo, dễ rơi: Sau một thời gian sử dụng, hàm giả sẽ có dấu hiệu trở nên lỏng lẻo hơn, dẫn đến hiện tượng rơi răng giả khi ăn hoặc giao tiếp.
- Thẩm mỹ chưa cao: Răng giả tháo lắp mặc dù có thể che lấp khoảng trống mất răng, giúp nụ cười trở nên hoàn thiện hơn nhưng độ thẩm mỹ chưa được đánh giá cao vì kém tự nhiên so với các kỹ thuật như răng sứ hay cấy ghép răng Implant.
- Có thể gây hôi miệng: Các vật liệu làm hàm giả tháo lắp có thể gây ra mùi hôi trong miệng sau khi dùng được một thời gian, mùi hôi sẽ càng nghiêm trọng nếu răng giả không được vệ sinh kỹ lưỡng.
Quy trình điều trị mất răng bằng răng giả tháo lắp
Dưới đây là quy trình làm răng giả tháo lắp cho bệnh nhân mất răng:
Bước 1: Bác sĩ thăm khám và tư vấn
Bác sĩ tiến hàng thăm khám tình trạng răng miệng tổng quát của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân đang gặp các vấn đề răng miệng thì cần điều trị triệt để trước khi làm răng giả tháo lắp để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả điều trị.
Tiếp theo, Bác sĩ sẽ tư vấn tất tần tật những vấn đề liên quan đến răng giả tháo lắp, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân và bàn luận với bệnh nhân về kế hoạch điều trị chi tiết.
Bước 2: Lấy dấu răng
Bệnh nhân được lấy dấu với phần mềm lấy dấu kỹ thuật số 3Shape 3D giúp lấy dấu chính xác, an toàn, nhanh chóng và không đau.
Bước 3: Thiết kế và chế tác răng giả
Dữ liệu của bệnh nhân sẽ được chuyển về phòng Lab, Bác sĩ và kỹ thuật viên cùng thảo luận để thiết kế nụ cười cho bệnh nhân, từ đó lên thiết kế hàm giả về màu sắc, cấu tạo, số lượng răng giả… Tiếp theo, kỹ thuật viên sẽ tiến hành chế tác mẫu hàm giả theo thiết kế đưa ra.
Bước 4: Phục hình răng giả tháo lắp
Khi có hàm giả, Bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân đến để lắp răng. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và đo lường về mặt thẩm mỹ, độ vừa vặn, khớp cắn, sự thoải mái khi đeo hàm giả và khi ăn nhai, chỉnh sửa sao cho cho hàm giả thích ứng hoàn toàn với bệnh nhân.
Bước 5: Hướng dẫn chăm sóc sau điều trị và đặt lịch tái khám
Kết thúc điều trị, Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc răng miệng và bảo dưỡng hàm giả đúng cách, đặt lịch tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng hàm giả và sức khỏe răng miệng của bệnh nhân.
Cần đeo răng giả bao nhiêu giờ một ngày?
Bác sĩ phục hình sẽ chỉ định thời gian đeo răng giả. Nhìn chung, những ngày đầu tiên, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân đeo răng giả mọi lúc, kể cả khi ngủ nhằm xác định xem răng giả có cần điều chỉnh hay không. Sau khi thực hiện các điều chỉnh thông thường, bạn có thể tháo răng giả trước khi đi ngủ và lắp hàm giả sau khi thức dậy.
Làm gì để nâng cao hiệu quả và tuổi thọ của răng giả tháo lắp?
Hiệu quả và độ bền của răng giả phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc và bảo dưỡng của bệnh nhân sau khi thực hiện. Dưới đây là những lưu ý cần thiết để nâng cao tuổi thọ răng giả của bạn:
1. Vệ sinh răng giả đúng cách
Khi vệ sinh răng giả, bạn cần tháo răng giả ra và thực hiện vệ sinh nhẹ nhàng với bàn chải lông mềm và kem đánh răng chuyên dụng cho răng giả. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất hoặc các loại kem đánh răng thông thường vì có thể bào mòn và làm hỏng răng giả.
Việc vệ sinh răng giả cần kết hợp chặt chẽ với vệ sinh răng thật, đảm bảo khoang miệng sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn và mảng bám răng.
2. Bảo dưỡng răng giả
Ngoài vấn đề vệ sinh thì bệnh nhân cũng cần bảo quản răng giả ở nơi khô thoáng. Khi tháo hàm giả, bệnh nhân cần ngâm hàm giả trong dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước ấm pha với giấm trắng. Đặc biệt, bạn không được ngâm hàm giả vào nước nóng vì có thể khiến hàm giả bị nới kích thước, trở nên lỏng lẻo.
Bệnh nhân lưu ý không được để hàm giả lung tung và để vật nặng đè lên hàm giả hoặc thường xuyên để rơi hàm giả khiến hàm giả bị va đập. Bên cạnh đó, bạn cũng không được tự ý mài dũa, sửa chữa răng giả, nếu có điều gì bất thường với răng giả thì cần được kiểm tra và chỉnh sửa bởi Bác sĩ.
3. Lưu ý khi ăn uống
Chế độ ăn uống sau khi làm hàm giả tháo lắp là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tuổi thọ của hàm giả. Để đảm bảo hàm giả hoạt động hiệu quả và bền lâu, bạn nên ưu tiên các loại thực phẩm mềm, dễ nhai, hạn chế tối đa các món ăn cứng, dai, dính như kẹo, singum,… vì răng giả tháo lắp không có độ cứng chắc như răng thật hay răng giả cố định.
Ngoài ra, việc ăn uống chậm rãi, kỹ càng cũng giúp giảm áp lực lên hàm giả và tránh các vấn đề về tiêu hóa. Bệnh nhân tuyệt đối không dùng răng giả để cắn đồ vật, hạn chế thực phẩm chứa nhiều màu sắc và hạn chế hút thuốc lá.
4. Duy trì thăm khám nha khoa định kỳ
Sau khi làm hàm giả tháo lắp, việc thăm khám nha khoa định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp bạn duy trì hàm giả luôn vừa vặn, thoải mái mà còn phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn như hàm giả bị lỏng, kích ứng nướu răng, các bệnh lý răng miệng, nứt - vỡ hàm giả…
Trong các buổi thăm khám, Bác sĩ sẽ kiểm tra và điều chỉnh hàm giả để đảm bảo nó vừa khít với xương hàm, giúp bạn ăn nhai thoải mái và tự tin hơn, đồng thời tư vấn chăm sóc và vệ sinh răng miệng chuyên sâu để loại bỏ các mảng bám, vôi răng mà bạn không thể tự làm sạch tại nhà, từ đó giúp tăng cường sức khỏe răng miệng và kéo dài tuổi thọ của hàm giả.
Trên đây là những thông tin chi tiết về phương pháp làm răng giả tháo lắp cho bệnh nhân bị mất răng. Chúc bạn sớm tìm được địa chỉ nha khoa uy tín, chất lượng để được chăm sóc và điều trị với những kỹ thuật nha khoa hiệu quả, tối ưu nhất.
Liên hệ
Địa chỉ
807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCMHotline
1900 56 5678Website
www.drnhan.vn