Tổng quan về đau khớp thái dương hàm
Đau khớp thái dương hàm là một trong những vấn đề hàm - mặt thường gặp. Đau khớp thái dương hàm xuất hiện khi có những rối loạn về khớp thái dương hàm, gây khó khăn khi khi cử động miệng, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đóng - mở hàm và chức năng ăn nhai, giao tiếp.
Đau khớp thái dương hàm là gì?
Đau khớp thái dương hàm là một tình trạng liên quan đến sức khỏe của khớp thái dương hàm (TMJ). Đây là khớp nối giữa xương hàm dưới với hộp sọ, liên kết với các cơ và dây chằng nhằm giúp miệng có thể cử động để ăn, nhai, nói, cười.
Các rối loạn khớp thái dương hàm, bao gồm viêm khớp, trật khớp, chấn thương hoặc nhiễm trùng ở khớp thái dương hàm, có thể gây ra tiếng kêu răng rắc và cứng hàm, đau đầu, đau cổ và ù tai, khiến những chuyển động trên khuôn mặt như ăn uống, cười, giao tiếp trở nên khó khăn và gây đau đớn.
Mặc dù hầu hết các triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm sẽ khỏi sau vài tuần đến vài tháng, nhưng ở một số người, tình trạng đau có thể trầm trọng và trở thành mãn tính, trở nên tồi tệ hơn do một số hành vi hoặc thói quen có hại gây căng cơ hàm và cổ.
Đau khớp thái dương hàm - Những nguyên nhân phổ biến và triệu chứng
Trong nhiều trường hợp, người ta không biết nguyên nhân gây ra rối loạn và đau khớp thái dương hàm.
Chấn thương hàm hoặc khớp do tai nạn, hoạt động thể thao… có thể gây ra đau khớp thái dương hàm. Ngoài ra còn có các tình trạng sức khỏe khác có thể góp phần vào sự phát triển của rối loạn khớp thái dương hàm, bao gồm:
- Sai lệch khớp thái dương hàm bẩm sinh do yếu tố di truyền.
- Viêm khớp thái dương hàm do chấn thương, nhiễm trùng, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp thứ phát…
- Do tật nghiến răng, thói quen siết chặt hàm răng làm tăng áp lực lên vùng cơ hàm, tổn thương khớp thái dương - hàm.
- Di lệch đĩa nội khớp thái dương hàm.
- Hội chứng đau cân cơ khớp thái dương hàm.
- Thói quen xấu tác động trực tiếp tới hàm và khớp thái dương như nghiến răng, ăn nhai thực phẩm cứng thường xuyên, nhai một bên hàm…
- Đau khớp thái dương hàm có thể là hậu quả của tình trạng răng bị sai lệch khớp cắn không được điều trị.
- Làm việc quá sức, nghỉ ngơi không đủ, thường xuyên căng thẳng lo âu hoặc các vấn đề bất thường về tâm lý cũng làm tăng nguy cơ bị đau khớp thái dương hàm.
Các triệu chứng của rối loạn TMJ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh. Triệu chứng phổ biến nhất là đau ở hàm và các cơ nhai xung quanh như vùng dưới hàm, vùng góc hàm.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ gặp các cơn đau ở vùng trước tai hoặc đau bên trong tai; đau mỏi vùng hàm khi thực hiện đóng mở hàm để ăn nhai, cười và giao tiếp.
Những triệu chứng khác ở bệnh nhân bao gồm: thường xuyên đau đầu hay đau nửa đầu; cứng cơ hàm và khó cử động miệng; xuất hiện tiếng kêu lục cục ở khớp thái dương; cảm giác chóng mặt, ù tai; các vấn đề về sức khỏe răng miệng như đau răng, mòn răng, sai lệch khớp cắn…
Đau khớp thái dương hàm có nghiêm trọng không?
Các vấn đề rối loạn đau khớp thái dương hàm không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc không tùy theo mức độ tiến triển của bệnh.
Ở một số bệnh nhân, các cơn đau khớp thái dương hàm hoặc triệu chứng liên quan chỉ xuất hiện thoáng qua, có thể tự hết và không gây ra nhiều trở ngại đến sinh hoạt cuộc sống.
Với những bệnh nhân khác, các triệu chứng có thể trầm trọng hơn nếu không được điều trị, các rối loạn có thể gây ra sự khó chịu và đau nhức dai dẳng ở trong và xung quanh hàm của bạn, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, giao tiếp.
Khi các cơn đau khiến bệnh nhân không thể ăn uống và nói chuyện, sức khỏe sẽ ngày càng bị suy giảm, công việc và các hoạt động khác cũng trở nên khó khăn.
Ngoài ra, các khớp bị ảnh hưởng cũng có thể bị viêm và thậm chí có thể gây tổn thương đến cấu trúc răng, xương và các tổ chức xung quanh.
Chẩn đoán và điều trị đau khớp thái dương hàm như thế nào?
Rối loạn khớp thái dương hàm thường được chẩn đoán bởi Bác sĩ răng – hàm – mặt thông qua triệu chứng của bệnh nhân và một số kỹ thuật như:
- Chụp X-quang răng- hàm: Phim chụp X-quang cho phép Bác sĩ quan sát vị trí răng, xương bên trong và xung quanh hàm của bạn.
- Chụp CT hàm: Chụp CT hàm cho phép Bác sĩ nhìn thấy xương và mô khớp một cách rõ nét hơn so với chụp X-quang thông thường.
- Chụp MRI hàm: Cho phép Bác sĩ quan sát được các vấn đề về cấu trúc hàm. Phim chụp cộng hưởng từ (MRI) hiển thị hình ảnh chi tiết của các cơ quan và mô vùng hàm - mặt.
Rối loạn và đau khớp thái dương hàm hoàn toàn có thể điều trị. Triển vọng điều trị rối loạn khớp thái dương hàm phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Hầu hết các trường hợp rối loạn TMJ đều cần thay đổi thói quen lối sống, có thể kết hợp với thuốc để giảm đau và khó chịu.
Nhiều người có thể điều trị thành công các rối loạn TMJ bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay đổi tư thế ngồi, tư thế vận động hoặc thư giãn để bớt căng thẳng, xây dựng lối sống khoa học, ăn uống ngủ nghỉ điều độ và từ bỏ những thói quen xấu.
Có những bệnh nhân sẽ cần đến các loại thuốc điều trị rối loạn khớp thái dương hàm như thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ để làm giảm nhẹ các triệu chứng, giúp bệnh nhân ăn uống và giao tiếp dễ dàng hơn.
Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng là do các vấn đề về tâm lý thì bệnh nhân cần kết hợp các phương pháp giảm triệu chứng như trị liệu vật lý, thay đổi lối sống… với điều trị về tâm lý để khắc phục.
Các biện pháp làm mát, châm cứu, vật lý trị liệu, điều trị nghiến răng, hạn chế mở miệng quá rộng khi ngáp hay cười, nói, ăn uống, các bài tập mát-xa hay bài tập giãn cơ… cũng có tác dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng khó chịu.
Ngoài ra, nếu cần thiết, Bác sĩ sẽ có thể đề nghị bệnh nhân mài chỉnh khớp cắn, niềng răng, điều trị mất răng với các phương pháp phục hình chẳng hạn như trồng răng Implant, thực hiện chọc hút dịch khớp giúp loại bỏ dịch và mảnh vụn khỏi khớp, phẫu thuật thay khớp…
Ngay khi nhận thấy những triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm mà chúng tôi đã nêu ở phần trên, bạn nên nhanh chóng tiến hành kiểm tra tại trung tâm nha khoa uy tín để nhận được sự tư vấn chính xác từ phía Bác sĩ, tránh tình trạng trở nên tồi tệ sẽ gây phức tạp khi điều trị, tốn thời gian và chi phí.
Làm thế nào để phòng ngừa đau khớp thái dương hàm?
Không thể phòng ngừa hoàn toàn các rối loạn TMJ, tuy nhiên, bạn có thể hạn chế phát triển TMJ hoặc giảm thiểu các triệu chứng đau khớp thái dương hàm với những biện pháp sau:
- Thực hiện đúng tư thế khi đứng, ngồi, ngủ, vận động…
- Chế độ sống lành mạnh, cân bằng giữa thời gian làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sẽ giúp bạn hạn chế tối đa các bệnh lý cơ thể.
- Ăn uống đủ chất sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt xương khớp cứng chắc, giảm hiệu quả các triệu chứng viêm khớp, thoái hóa khớp…
- Chăm sóc răng miệng tốt bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách, khám răng định kỳ và loại bỏ vôi răng, thực hiện các điều chỉnh nếu có sai lệch về khớp cắn, điều trị các bệnh lý răng miệng càng sớm càng tốt…
- Xây dựng một tinh thần tốt và tâm lý ổn định, tránh thường xuyên căng thẳng, lo âu. Nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường về tâm lý thì bạn cần tư vấn bởi các chuyên gia tâm lý để cải thiện.
- Cần từ bỏ các thói quen xấu như nhai một bên, cắn vật cứng hay ăn thực phẩm quá cứng, nếu có thói quen nghiến răng thì bạn cần đến sự hỗ trợ điều trị từ Bác sĩ nha khoa.
- Thể dục, thể thao phù hợp, có thể thực hiện các bài tập rèn luyện cơ hàm mặt, mát-xa, thiền để giúp nới lỏng và thư giãn hàm…
- Các bài tập yoga cũng có thể giúp giảm căng thẳng các cơ khớp vùng mặt, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các chứng đau khớp thái dương hàm.
- Các bài tập cho hàm có thể giúp tăng khả năng vận động của các khớp. Có ba loại bài tập cho hàm có thể được sử dụng cùng nhau để giảm đau khớp thái dương hàm, bao gồm: bài tập kéo dãn, bài tập tăng cường, bài tập thư giãn.
Như vậy, các vấn đề rối loạn khớp thái dương hàm dẫn đến đau khớp thái dương hàm tuy không quá mức nguy hiểm nhưng sẽ gây ra rất nhiều phiến toái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần hàng ngày của bệnh nhân. Do đó, việc chủ động đề phòng và điều trị sớm vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chúng ta trước tình trạng này.
Liên hệ
Địa chỉ
807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCMHotline
1900 56 5678Website
www.drnhan.vn