Cách trị chào mào tự nhổ lông đuôi
Nguyên nhân khiến chào mào tự nhổ lông đuôi
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chim chào mào tự nhổ lông đuôi của mình. Trong đó có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến như sau.
Trường hợp 1: Chào mào tự cắn vào đuôi, cánh và rỉa lông
Nguyên nhân: Lồng và đáy lồng chim chào mào nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng sẽ làm phát sinh ký sinh trùng, khiến chim bị ngứa ngáy và tự cắn đuôi, cánh của mình.
Cách điều trị:
- Nếu bệnh mới phát và chim chào mào chỉ rỉa ít lông, bạn có thể sử dụng nước muối pha loãng để tắm cho chim, sau đó phơi nắng. Tắm 2 ngày/1 lần, khoảng 3 lần tắm, chim sẽ hết tình trạng này.
- Nếu bệnh đã tiến triển nặng, bạn có thể sử dụng thuốc Benkocid để điều trị cho chim chào mào tự nhổ lông đuôi. Đây là một loại thuốc sát trùng có phổ diệt khuẩn rộng. Bạn chỉ cần pha 5ml thuốc/ 1 lít nước và tắm cho chim khoảng 2 lần thì tình trạng này sẽ giảm dần và hết hẳn.
Phòng bệnh: Để phòng bệnh chào mào tự nhổ lông đuôi do nguyên nhân này, bạn nên vệ sinh lồng và đáy lồng thường xuyên, có thể sử dụng thuốc Benkocid phun vào lồng để diệt khuẩn. Chú ý nguồn gốc của thức ăn và thay nước thường xuyên cho chim. Tắm cho chim 2 ngày 1 lần và luôn phơi nắng.
Trường hợp 2: Lông đuôi hoặc lông cánh mới ra bị gãy, khiến chim rỉa vào làm rụng lông
Nguyên nhân: Chim bị thiếu hụt nghiêm trọng các dưỡng chất quan trọng như canxi, protein, vitamin… Ngoài ra, chim ít được tắm và không được phơi nắng đầy đủ cũng khiến lông bị yếu và dễ gãy.
Cách điều trị:
- Thay đổi loại cám đang dùng, ưu tiên lựa chọn các loại cám chất lượng cao, chứa nhiều canxi (có trong tôm), protein (trong trứng gà), hoặc tự chế biến cám giàu dinh dưỡng cho chim.
- Ngoài ra, bạn nên bổ sung các loại trái cây có nhiều vitamin A, C để giúp lông chim phát triển khỏe mạnh. Tắm nước và tắm nắng thường xuyên để cải thiện sức khỏe của lông.
Phòng bệnh: Vệ sinh lồng sạch sẽ và thường xuyên, duy trì việc tắm rửa và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho chim.
Trường hợp 3: Chào mào phá đuôi do bu lồng, chim bổi nhảy hoặc do chim quá căng lửa
Nguyên nhân và giải pháp
- Chim bu lồng: Để tránh tình trạng chim bị hư lông đuôi do bu lồng, bạn hãy thử đổi loại lồng phù hợp cho chim. Lồng vuông sẽ giúp hạn chế chim va đập lồng vào thành, giảm nguy cơ hư hại. Nếu có thể, hãy cho chim vào aviary (lồng lớn để thả chim) trong khoảng 2 tháng. Không gian rộng rãi của aviary sẽ giúp chim tự do bay nhảy, giảm thiểu việc chào mào tự nhổ lông đuôi.
- Chim quá căng lửa: Khi chim quá căng lửa, bạn có thể hạ lửa bằng cách thay đổi chế đồ ăn. Chọn loại cám khác và bổ sung các loại trái cây mát như cà chua, cam để giảm nhiệt. Đối với chim bổi thì hãy kiên nhẫn và tập cho chim dạn dần, chấp nhận để mùa sau chơi.
Phòng bệnh:
- Tắm nước: Tắm nước hàng ngày cho chim, kết hợp sử dụng dung dịch tắm trị rỉa lông.
- Tắm nắng: Phơi nắng mỗi ngày sẽ giúp bộ lông chim khỏe mạnh và ngăn ngừa hư tổn.
- Chế độ dinh dưỡng: Thay đổi loại cám theo nhu cầu của chim, đồng thời bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho chim.
Xem thêm: Chim chào mào bị xù lông: Nguyên nhân và cách khắc phục
Có nên nhổ lông đuôi cho chim chào mào không?
Có nên nhổ lông đuôi cho chim chào mào không là vấn đề gây tranh cãi trong giới nuôi chim cảnh. Việc này có thể mang lại một số lợi ích nhất định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không thực hiện đúng cách.
Lợi ích của việc nhổ lông đuôi cho chim chào mào
Nhổ lông đuôi cho chim chào mào có thể mang lại những lợi ích tuyệt vời như:
- Kích thích lông đuôi mọc mới đẹp hơn: Nhổ lông đuôi có thể kích thích quá trình tái tạo, giúp lông đuôi mới mọc dày, dài và đẹp hơn, nhất là trong những trường hợp lông đuôi cũ bị hư hỏng hoặc không còn đẹp.
- Hỗ trợ chim chào mào trong quá trình thay lông: Nhổ lông đuôi cho chào mào khi chim bước vào giai đoạn thay lông có thể giúp chim loại bỏ nhanh lông cũ và mọc lại bộ lông mới khỏe mạnh. Tuy nhiên, người nuôi chim chào mào chỉ nên áp dụng khi lông đuôi đã già yếu và sẵn sàng rụng tự nhiên.
Rủi ro của việc nhổ lông đuôi cho chim chào mào
Bên cạnh những lợi ích kể trên, việc nhổ lông đuôi cho chim chào mào có thể đem lại những rủi ro như:
- Gây đau đớn và căng thẳng cho chim: Nhổ lông đuôi có thể khiến chim chào mào bị đau và làm cho chúng cảm thấy sợ hãi, bởi chào mào là loài chim rất nhạy cảm. Vì thế, nếu không cần thiết thì việc nhổ lông có thể ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của chim.
- Nguy cơ nhiễm trùng: Nếu nhổ lông không đúng cách, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, chim chào mào có thể bị nhiễm trùng ở nang lông. Điều này có thể gây các bệnh về da hoặc làm lông mọc lại kém chất lượng.
- Ảnh hưởng đến khả năng bay và thăng bằng: Lông đuôi giúp giữ thăng bằng và bay ổn định. Việc nhổ lông đuôi có thể khiến chào mào bị mất khả năng giữ thăng bằng, quá trình bay nhảy và di chuyển trong lồng cũng gặp khó khăn.
Khi nào nên và không nên nhổ lông đuôi cho chim chào mào?
Nhổ lông đuôi cho chim chào mào là một quyết định cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của chim.
Nên nhổ lông đuôi khi:
- Lông đuôi bị hư hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi.
- Lông đuôi mọc chậm hoặc mọc không đều trong quá trình thay lông.
- Chim chào mào khỏe mạnh, có khả năng phục hồi tốt và được chăm sóc cẩn thận.
Không nên nhổ lông đuôi khi:
- Chim đang yếu, ốm hoặc bị căng thẳng.
- Người nuôi chim chào mào chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật nhổ lông đuôi cho chim.
- Không đủ điều kiện chăm sóc tốt cho chào mào sau khi nhổ lông.
TS.BS Võ Văn Nhân, vị bác sĩ nha khoa có niềm đam mê với loài chim chào mào, chia sẻ: “Nếu bạn quyết định nhổ lông đuôi cho chim chào mào thì cần lưu ý cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ với nhiều vitamin và khoáng chất để hỗ trợ lông mọc nhanh và khỏe. Đừng quên tắm nắng và tắm nước thường xuyên, theo dõi tình trạng sức khỏe của chim, kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng để xử lý kịp thời”.
Hiện tượng chào mào tự nhổ lông đuôi khá phổ biến, có thể khắc phục nếu người nuôi hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng đúng cách. Bằng việc tạo môi trường sống thoải mái, cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ và giữ vệ sinh tốt cho chim, bạn sẽ cải thiện được sức khỏe và thẩm mỹ cho chú chim của mình.
Liên hệ
Địa chỉ
807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCMHotline
1900 56 5678Website
www.drnhan.vn