Kiến thức nha khoa

Nghiến răng là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách điều trị

Nghiến răng là tình trạng khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng này không chỉ xảy ra khi ngủ mà còn xuất hiện khi thức, khi bạn tập trung quá mức hay quá căng thẳng, giận dữ,... Nghiến răng có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Nghiến răng là gì? Nguyên nhân, hậu quả và cách điều trị

Nghiến răng là tình trạng hai hàm nghiến siết với nhau, là một hoạt động vô thức và thường xảy ra khi ngủ. Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe tổng thể.

Nghiến răng là gì?

Nghiến răng là tình trạng hai răng cắn chặt lại với nhau một cách vô thức, tạo áp lực lên răng và đôi khi phát ra âm thanh ken két. Nghiến răng thường xảy ra khi ngủ, nhưng cũng có thể diễn ra ngay cả khi thức (ở những thời điểm bạn không nhận thức được như khi quá tập trung, quá căng thẳng hay giận dữ).

Nghiến răng khi ngủ là tình trạng thường gặp
Nghiến răng khi ngủ là tình trạng thường gặp

Hoạt động nghiến răng không phục vụ cho chức năng nhai. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể gây quá tải cho xương và cơ hàm, khiến bạn cảm thấy đau đầu, đau răng, mỏi hàm,... Tuy nhiên, không phải ai nghiến răng cũng gặp phải những triệu chứng trên, triệu chứng có thể xuất hiện hoặc không tùy vào thể trạng của mỗi người.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiến răng

Nguyên nhân của nghiến răng chưa thực sự rõ ràng, thường được cho là liên quan đến các yếu tố sau:

Căng thẳng kéo dài

Nghiến răng có thể liên quan đến các yếu tố thần kinh như lo lắng, căng thẳng kéo dài. Căng thẳng đi kèm với cảm giác lo âu sẽ kích thích hoạt động của não bộ, thần kinh cũng bị kích thích và gây ra phản ứng nghiến răng.

Căng thẳng kéo dài có thể gây nghiến răng
Căng thẳng kéo dài có thể gây nghiến răng

Do tính cách

Những người có tính cách mạnh mẽ, hiếu thắng, hoạt động quá mức có khả năng mắc tật nghiến răng, đặc biệt là khi ngủ cao hơn so với những người có tính cách nhẹ nhàng.

Do tuổi tác

Trẻ nhỏ thường dễ mắc tật nghiến răng do chưa kiểm soát được cảm xúc của mình. Tình trạng này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên.

Nghiến răng ở trẻ em
Nghiến răng ở trẻ em

Rối loạn giấc ngủ

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những người bị rối loạn giấc ngủ như: ngủ ngáy, ngủ chập chờn, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hoặc ảo giác khi ngủ,... có liên quan mật thiết đến tật nghiến răng.

Do thuốc và chất kích thích

Các loại thuốc như: thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống suy nhược,... có thể gây tác dụng phụ là tăng nguy cơ nghiến răng khi ngủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng thường xuyên các chất kích thích như rượu, bia,... cũng sẽ gây nên những tác dụng tương tự.

Do rối loạn khớp cắn

Khi các khớp cắn không chuẩn xác có thể gây áp lực lên cơ hàm và dẫn đến nghiến răng. Nguyên nhân có thể xuất hiện ở một hoặc một nhóm răng.

Rối loạn khớp cắn gây nghiến răng
Rối loạn khớp cắn gây nghiến răng

Cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng

Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin, các khoáng chất cần thiết, mất cân bằng enzym cũng có thể dẫn đến tật nghiến răng. Ngoài ra, việc rối loạn dinh dưỡng, nội tiết, tiết niệu,...cũng gây nghiến răng khi ngủ, nhất là với trẻ em.

Do dị ứng

Rối loạn tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, dị ứng thức ăn,... cũng là nguyên nhân gây ra tật nghiến răng.

Do yếu tố nghề nghiệp

Tật nghiến răng cũng có thể xuất phát từ chính thói quen của một số nghề nghiệp như: công nhân cắn chặt răng để gồng lấy sức khuân vác, nghệ sĩ xiếc dùng răng để giữ người trên không trung,...

Thói quen nghề nghiệp cũng tác động đến tật nghiến răng
Thói quen nghề nghiệp cũng tác động đến tật nghiến răng
Đăng ký ngay

Hậu quả khi nghiến răng kéo dài

Nghiến răng không phải là hoạt động để thực hiện các chức năng ăn nhai. Do đó, nếu hoạt động này diễn ra thường xuyên có thể gây chấn thương khớp cắn, từ đó ảnh hưởng đến chức năng cơ, tác động đến khớp thái dương hàm.

Bên cạnh đó, nghiến răng mức độ nặng và liên tục có thể gây nên một số biến chứng khác như:

  • Tổn thương răng, xương hàm, các phục hình răng.
  • Răng trở nên nhạy cảm do mòn răng.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm.
  • Đau vùng đầu mặt.
  • Biến dạng khuôn mặt.
Nghiến răng gây mòn men răng
Nghiến răng gây mòn men răng

Mẹo chữa nghiến răng khi ngủ trong dân gian

Để hạn chế chứng nghiến răng, bạn có thể tham khảo một số mẹo từ dân gian được lưu truyền từ xưa đến nay.

Uống sữa ấm pha với nghệ

Trong sữa có chứa Tryptophan sẽ giúp các dây thần kinh được thư giãn, giúp giấc ngủ được ngon và sâu hơn. Kết hợp với nghệ sẽ gia tăng khả năng chống oxy hóa và chống viêm tự nhiên, từ đó giúp giảm chứng nghiến răng. Bạn hãy uống một cốc sữa ấm pha với bột nghệ trước khi đi ngủ.

Chườm ấm

Bạn có thể chườm ấm trước khi đi ngủ bằng cách dùng khăn nhúng vào nước ấm và chườm lên các cơ xung quanh răng, hàm, miệng, cổ. Điều này sẽ giúp các cơ này được thư giãn, tăng cường lưu thông máu, hạn chế các tiềm tàng của chứng nghiến răng.

Chườm ấm là cách giúp hạn chế chứng nghiến răng
Chườm ấm là cách giúp hạn chế chứng nghiến răng

Massage hàm

Massage hàm là cách hiệu quả để giảm thiểu tình trạng nghiến răng khi ngủ. Dưới đây là các bước thực hiện mà bạn có thể tham khảo:

  • Bước 1: Mở đóng miệng, chuyển động tròn lặp đi lặp lại để làm thư giãn cơ hàm.
  • Bước 2: Thoa đều tinh dầu vào đầu ngón tay, massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.
  • Bước 3: Để giúp máu lưu thông tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, bạn có thể kết hợp massage vùng cơ cổ, cơ vai, trán và khu vực 2 bên đầu.

Bạn nên thực hiện bài tập massage này 3 lần/ngày, mỗi lần 10 phút để thấy kết quả.

Sử dụng các loại tinh dầu

Một số loại tinh dầu như: tinh dầu hoa cúc, tinh dầu oải hương, gỗ tuyết tùng,.. có thể giúp giảm bớt căng thẳng, xua tan mệt mỏi - nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng nghiến răng. Bạn có thể sử dụng các loại tinh dầu này để hít trực tiếp hoặc xông bằng tay trước khi đi ngủ.

Tinh dầu hoa oải hương giúp xua tan mệt mỏi, căng thẳng
Tinh dầu hoa oải hương giúp xua tan mệt mỏi, căng thẳng

Thiền hoặc yoga

Thiền có tác dụng trong việc làm dịu thần kinh, giảm thiểu những căng thẳng, lo lắng, giúp giấc ngủ được sâu hơn. Trong khi đó, yoga sẽ giúp kéo căng vùng cổ, hàm, miệng, từ đó giảm bớt áp lực trên khuôn mặt, hạn chế tật nghiến răng.

Cách trị nghiến răng khi ngủ

Các biện pháp dân gian kể trên chỉ áp dụng được trong những trường hợp nghiến răng nhẹ. Với những trường hợp nghiến răng ở mức độ nặng, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây.

Sử dụng thuốc

Các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ không có tác dụng điều trị tật nghiến răng mà chỉ giúp làm giảm sự căng cơ quá mức do nghiến răng gây ra.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo lắng,... để giúp bệnh nhân kiểm soát căng thẳng, lo lắng hay các vấn đề về cảm xúc.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Với những trường hợp nghiến răng nghiêm trọng mà các biện pháp khác không đem lại hiệu quả, giải pháp tiêm botox sẽ được áp dụng.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hay tiêm botox đều là những phương pháp mang tính chất tạm thời, không có hiệu quả lâu dài. Bệnh nhân nên tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc bên ngoài khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ.

Niềng răng

Với những trường hợp nghiến răng do khớp cắn bất thường thì niềng răng - chỉnh nha được xem là giải pháp hiệu quả để loại bỏ tình trạng nghiến răng. Phương pháp này sẽ sử dụng các khay niềng hay mắc cài, dây cung để nắn chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm, khớp cắn cũng sẽ đạt đúng chuẩn.

Niềng răng áp dụng trong những trường hợp nghiến răng do khớp cắn bất thường
Niềng răng áp dụng trong những trường hợp nghiến răng do khớp cắn bất thường

Sử dụng máng chống nghiến

Máng chống nghiến là một khí cụ nha khoa được đeo trong khi ngủ. Máng này được chế tạo theo dấu răng của từng người, được làm từ nhựa trong Acrylic. Với đặc điểm là trong suốt, nhẹ, dẻo, dễ uốn ép theo ý muốn nên máng chống nghiến có thể ôm khít răng, không gây bất tiện khi sử dụng.

Máng chống nghiến sẽ giúp ngăn hàm trên và hàm dưới tác động với nhau, giúp răng tránh được sự mài mòn do nghiến răng. Một số loại máng chống nghiến còn có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động hàm, từ đó loại bỏ tật nghiến răng hiệu quả.

Máng chống nghiến răng được chế tác riêng cho mỗi người
Máng chống nghiến răng được chế tác riêng cho mỗi người

Một số phương pháp khác

Để điều trị tật nghiến răng, ngoài các phương pháp trên, bạn cũng có thể áp dụng một số phương pháp như:

  • Trị liệu tâm lý: Bạn có thể tìm đến bác sĩ tâm lý hay bác sĩ trị liệu để có thể kiểm soát được tình trạng căng thẳng, lo lắng quá mức, từ đó giảm chứng nghiến răng.
  • Thay đổi hành vi: Bạn cần thay đổi thói quen vận động hàm hay điều chỉnh hàm về vị trí thích hợp. Điều này có thể gây mất nhiều thời gian và cần đến sự hỗ trợ của các bác sĩ nha khoa cũng như các chuyên gia tâm lý.
Điều trị bác sĩ tâm lý để kiểm soát tình trạng căng thẳng
Điều trị bác sĩ tâm lý để kiểm soát tình trạng căng thẳng

Nghiến răng mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu kéo dài dai dẳng thì sẽ gây ra những tác hại nặng nề đối với sức khỏe răng miệng. Điều trị nghiến răng đòi hỏi sự kiên trì và phối hợp của bệnh nhân đối với bác sĩ. Hãy tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn cho mình địa chỉ uy tín để điều trị nghiến răng nhé!

Đặt hẹn khám - tư vấn


Liên hệ

Địa chỉ

807 Đường 3/2, P.7, Q.10, TP.HCM

Hotline

1900 56 5678