Video / Hình ảnh

Phụ nữ mang thai có nên nhổ răng không?

Phụ nữ mang thai có nên nhổ răng không là câu hỏi được nhiều chị em quan tâm. Ts.Bs Võ Văn Nhân sẽ giải đáp cụ thể cho bạn.

Trong suốt thai kỳ, cơ thể người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi lớn về cả thể chất lẫn nội tiết tố, và một trong những vấn đề thường gặp nhưng lại dễ bị bỏ qua chính là sức khỏe răng miệng. Có những trường hợp mẹ bầu bị sâu răng, viêm nướu, hoặc đau nhức nghiêm trọng, nhưng lại lo lắng việc điều trị – đặc biệt là nhổ răng – sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Vậy phụ nữ mang thai có nên nhổ răng không? Nếu đau răng nặng trong thai kỳ thì xử lý thế nào cho đúng? MC Quyền Linh sẽ cùng TS.BS Võ Văn Nhân – một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt – giải đáp tất cả những thắc mắc xung quanh vấn đề này, giúp các mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và em bé.

MC Quyền Linh: Thưa quý vị, trong quá trình mang thai, không ít chị em gặp phải các vấn đề về răng miệng, từ viêm nướu, sâu răng đến đau nhức kéo dài. Điều khiến nhiều người băn khoăn là: Liệu phụ nữ mang thai có nên nhổ răng không? Và nếu cần can thiệp nha khoa thì nên thực hiện vào thời điểm nào? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng nghe chia sẻ từ Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Văn Nhân – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nha khoa tại Việt Nam.

Liên hệ

TS.BS Võ Văn Nhân: Cảm ơn anh Quyền Linh. Trước hết, tôi xin khẳng định là việc can thiệp nha khoa, bao gồm cả nhổ răng, vẫn có thể thực hiện được trong thai kỳ – nhưng phải đúng thời điểm và đúng cách. Cụ thể, thời điểm can thiệp an toàn nhất là tam cá nguyệt thứ hai – tức là vào các tháng thứ 4, 5 và 6 của thai kỳ.

Trong 3 tháng đầu, phôi thai vừa làm tổ trong tử cung, rất nhạy cảm. Việc nhổ răng, dùng thuốc hay gây tê lúc này có thể ảnh hưởng lớn, dễ gây sảy thai. Còn 3 tháng cuối, thai nhi đang bước vào giai đoạn hoàn chỉnh, mọi tác động mạnh – kể cả tâm lý căng thẳng – cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Vì vậy, 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ là hai giai đoạn cần tránh can thiệp nha khoa nếu không thật sự cần thiết.

Phụ nữ mang thai có thể can thiệp nha khoa nhưng phải đúng thời điểm và đúng cách
Phụ nữ mang thai có thể can thiệp nha khoa nhưng phải đúng thời điểm và đúng cách

MC Quyền Linh: Vậy nếu chẳng may bị đau răng nghiêm trọng trong giai đoạn mang thai, thì phải làm sao thưa bác sĩ?

TS.BS Võ Văn Nhân: Trong những trường hợp đau răng cấp tính, không thể chịu đựng hoặc trì hoãn đến sau sinh, bác sĩ có thể cân nhắc nhổ răng trong thai kỳ – nhưng bắt buộc phải đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và thai nhi.

Trường hợp có thể trì hoãn, chúng tôi thường ưu tiên điều trị bảo tồn như trám răng, chữa tủy tạm thời, hoặc kiểm soát cơn đau bằng phương pháp nhẹ nhàng. Sau khi sinh bé khoảng 4–5 tháng, khi sức khỏe mẹ đã hồi phục, thì hãy tiến hành nhổ răng là tốt nhất.

Tuy nhiên, nếu cơn đau quá dữ dội, không thể trì hoãn, buộc phải nhổ răng thì trong quá trình can thiệp, cần lưu ý một số nguyên tắc quan trọng:

  • Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim của mẹ.
  • Động viên tinh thần, tạo cảm giác thoải mái, hạn chế lo lắng cho mẹ bầu.
  • Can thiệp tối thiểu, sử dụng thuốc tê, thuốc kháng sinh, kháng viêm ở mức an toàn, tránh các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Tư thế khi can thiệp cũng quan trọng – nên để phụ nữ mang thai ngồi thoải mái, không nằm quá thấp vì dễ gây khó thở.
  • Cuối cùng là phối hợp chặt chẽ với bác sĩ sản khoa, đặc biệt trong các tình huống nhạy cảm như co thắt tử cung hoặc có dấu hiệu bất thường.

Xem thêm: Công nghệ mới: Scan mặt theo không gian 3 chiều

MC Quyền Linh: Rất cụ thể và rõ ràng. Nhưng nếu không nhổ răng được, không dùng kháng sinh được thì phụ nữ mang thai cần chuẩn bị gì từ trước để tránh rơi vào tình huống "tiến thoái lưỡng nan" như vậy?

Phụ nữ mang thai cần chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng
Phụ nữ mang thai cần chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng

TS.BS Võ Văn Nhân: Câu hỏi rất thực tế. Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố, dẫn đến gia tăng nguy cơ viêm nướu, sâu răng, thậm chí là viêm nha chu. Do đó, việc chăm sóc răng miệng ngay từ trước khi mang thai là cực kỳ quan trọng.

Tôi luôn khuyên các chị em, trước khi có ý định mang thai, nên đi khám răng kỹ lưỡng, điều trị dứt điểm những vấn đề như lỗ sâu nhỏ, răng sâu sát tủy, hoặc viêm nướu nhẹ. Nên trám răng, chữa tủy, làm sạch cao răng và duy trì vệ sinh răng miệng thật tốt. Bác sĩ nha khoa cũng sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc răng miệng an toàn trong suốt thai kỳ.

MC Quyền Linh: Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Thưa quý vị, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh: Phụ nữ mang thai nếu bị sâu răng nặng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng tiêu hóa và còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng cho em bé sau này.

Vì vậy, phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai cần được thăm khám răng định kỳ, chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng và điều trị kịp thời khi có vấn đề. Hy vọng qua cuộc trò chuyện hôm nay với TS.BS Võ Văn Nhân, chị em sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho chính mình và cho cả bé yêu trong tương lai.

Đặt hẹn khám - tư vấn

Liên hệ

Địa chỉ

CN1: 807 Đường 3/2, P.6, Q.10, Tp.HCM

CN2: 35-37 Nguyễn Thị Thập, KDC Him Lam, P. Tân Hưng, Q.7, Tp.HCM

Hotline

1900 56 5678